Einstein: Chuyện cổ tích giúp trẻ thông minh và sáng tạo hơn

Sức mạnh của những câu chuyện cổ tích

Những câu chuyện cổ tích giúp trẻ thông minh hơn

Một người mẹ muốn con mình trở thành một nhà khoa học như Einstein nên đã hỏi ông rằng, con bà nên đọc sách gì trong những năm tháng học đường của cháu để cháu có thể trở thành nhà bác học như ông.

Einstein đã trả lời như sau, “nếu bà muốn bọn trẻ được thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho các em nghe. Nếu bà muốn bọn trẻ thông minh hơn, hãy đọc nhiều truyện cổ tích hơn cho các em nghe.”

Nhà bác học Albert Einstein

Nhà bác học Albert Einstein

Người mẹ khá lo lắng và không tin rằng đây là câu trả lời nghiêm túc từ nhà bác học vĩ đại và tiếp tục gặng hỏi để có được một câu trả lời tầm cỡ như bà hằng mong muốn.

Tuy nhiên, nhà bác học giản dị đã giải thích rằng, sự sáng tạo là một tố chất quan trọng của một nhà khoa học đích thực và những câu truyện cổ tích là chất xúc tác để tạo nên sự sáng tạo nhiệm mầu đó.

Cha mẹ hãy dành thời gian kể chuyện cho bé

Trong đời sống hiện đại, do bận rộn với cuộc sống thường ngày để lo kinh tế gia đình, cha mẹ dường như không có nhiều thời gian để kể những câu truyện cổ tích cho các em. Thay vào đó Google, Youtube hay các trang mạng khác đã trở thành người bạn vô hình thường trực của các em.

Người bạn này- sẽ là người bạn đời thật tốt nếu các em học được những kiến thức học thuật hay nhân văn bổ ích từ họ trong một khung thời gian hợp lý.

Họ sẽ là người bạn xấu khi họ dẫn dắt các em làm những điều mà chính các em cũng không tưởng tượng được hậu quả lâu dài, vì các em còn quá nhỏ.

Một ví dụ minh họa là một bé gái lớp một, nói em không thích xem những bộ phim hoạt hình vì những bộ phim đó “trẻ trâu”. Em thích nghe những bài ca người lớn và những bộ phim học đường người lớn có “sexy lady.” Em mới học hết lớp một mà em cao chỉ kém anh bạn hàng xóm gầy còm lớp 6 một chút ít.

Chuyện cổ tích mở ra thế giới màu nhiệm hoàn thiện nhân cách của trẻ thơ

Chuyện cổ tích mở ra thế giới màu nhiệm hoàn thiện nhân cách của trẻ thơ

Em nói là bạn bè em cũng có sở thích giống như vậy và em hay giấu bố mẹ xem những bộ phim như thế trong tủ quần áo. Nhưng khi được hỏi, mẹ em có kể truyện cổ tích cho em không thì bỗng chốc đôi mắt em đã lóe sáng lên hạnh phúc, và em trả lời thật to đầy ngạc nhiên, “Mẹ con chẳng bao giờ đọc truyện cho con nghe đâu cô.”

Internet có mặt lợi và cũng có những mặt hại, sự tiếp xúc quá sớm và thường xuyên của các em với các nguồn thông tin trưởng thành trên Internet- đôi khi có thể là hạt giống xấu- góp phần gây nên chứng tăng động bồn chồn chân tay và trí óc mang tên ADHD phổ biến ở trẻ nhỏ Mỹ hay sự dậy thì sớm-một sự lo lắng thường trực mà chỉ có gia đình mới hiểu.

Nuôi dưỡng tâm hồn & khả năng sáng tạo

Quay lại với thế giới cổ tích nhiệm mầu- không chỉ gói gọn trong những quả bí ngô của bà tiên hay đôi giày lấp lánh của cô công chúa Cinderella chăm chỉ- mà bây giờ thế giới nhiệm mầu đó đã mở rộng ra với những đầu sách mới như: sách kĩ năng sống cho trẻ em, hạt giống tâm hồn, truyện ngắn về những tâm gương sáng vượt khó, truyện dân gian, truyện khoa học vui…hay cả những bài thơ khai thác nét đẹp quê hương và tình cảm gia đình chở che, dung dị.

Chuyện cổ tích mở ra chân trời sáng tạo cho một nhà khoa học trong tương lai

Chuyện cổ tích mở ra chân trời sáng tạo cho một nhà khoa học trong tương lai

Cha mẹ chỉ cần bớt chút thời gian để chọn ra những mẩu truyện thú vị phù hợp với các em và kể cho các em nghe trong mười lăm phút đồng hồ là ổn rồi.

Hay cha mẹ có thể vừa cùng con nhặt rau, nấu cơm lại vừa hỏi con về ý nghĩa của những truyện đã học.

Những câu truyện cổ tích đầy tính nhân văn có thể giúp cô bé lớp một kia tìm lại tuổi thơ của mình, hình thành một nhân cách tốt hơn và trở thành một trong những nhà văn, nhà thơ, nhà diễn giả truyền động lực, nhà giáo, một danh họa hay một nhà khoa học trong tương lai. Bởi những câu truyện cổ tích là chất xúc của sự sáng tạo như Einstein đã nói.

Và chỉ có gia đình thân yêu mới có thể giải thích, khuyên răn và bảo vệ các em khỏi cơn bão công nghệ thông tin-bằng sự quan sát thầm lặng thường xuyên và bằng việc tạo ra các thói quen tích cực như đọc truyện cổ tích cho các em.

Trần Phương Loan

(theo Einstein’s Folklore/Folklife Today)