5 bước tăng phát triển chiều cao cho bé yêu

Chiều cao của một đứa trẻ được xác định có mối quan hệ khắng khít với di truyền học và lượng dinh dưỡng hàng ngày. Theo KidsHealth.org, sự phát triển của trẻ em chậm lại sau năm đầu tiên của cuộc đời, sẽ có nguy cơ phá vỡ các đợt phát triển bùng phát về sau. Cho đến khi con bạn đến tuổi vị thành niên, tốc độ tăng trưởng tăng lên một lần nữa, với đợt phát triển bùng phát giữa tuổi từ 8 đến 13 tuổi với các trẻ em gái và từ 10 đến 15 tuổi với các trẻ em trai. Để đảm bảo rằng con bạn đạt được sức khoẻ chiều cao và cân nặng, bạn phải hướng dẫn các thói quen trong lối sống để thực hành kiên nhẫn hàng ngày. Mỗi đứa trẻ phát triển ở một tốc độ khác nhau, sự phát triển thường ngừng lại sau tuổi dậy thì.

5 bước tăng phát triển chiều cao cho bé yêu

Bước 1

Cho con bạn vào giường sớm vào buổi tối. Theo KidsHealth.org, trẻ em cần ngủ từ 10 đến 12 giờ mỗi đêm. Cơ thể con bạn không thể phát triển bình thường mà không nghỉ ngơi đầy đủ. Tăng cường đi ngủ sớm, thậm chí một giờ mỗi đêm sẽ giúp đảm bảo tăng trưởng về sau của con bạn.

Bước 2

Cho con bạn nhiều thức ăn có hàm lượng protein cao như cá và thịt nạc. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng (the Journal of Nutrition), trẻ em duy trì chế độ ăn giàu protein cho thấy chiều cao tăng lên đáng kể so với trẻ em có chế độ ăn protein thấp.

Bước 3

Tăng cường các hoạt động tập thể dục hàng ngày như đi xe đạp, đi bộ hoặc thể thao ngoài trời để giữ cho con bạn phát triển với tốc độ ổn định và chống lại chứng béo phì. Theo KidsHealth.org, các hoạt động này sẽ khuyến khích trẻ tăng cường di chuyển và vận động, thay vì ngồi trước tivi hoặc trò chơi điện tử.

Bước 4

Đảm bảo đầy đủ lượng canxi, sắt và vitamin A theo khuyến cáo trong thói quen dinh dưỡng hàng ngày của con bạn. Theo Tạp chí Dinh dưỡng, những chất dinh dưỡng vừa nêu kết hợp với protein sẽ có lợi cho sự tăng trưởng của con bạn.

Bước 5

Cho con bạn đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kiểm tra chiều cao và cân nặng. Phát hiện sớm sự phát triển dưới chuẩn bình thường càng sớm, càng giúp can thiệp và điều trị kịp thời.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Live Strong)

Giật mình với thử nghiệm cho thấy trẻ em dễ bị dụ dỗ thế nào

Giật mình với thử nghiệm cho thấy trẻ em dễ bị dụ dỗ thế nào

Một video đăng tải trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem của một chàng trai tên là Saladino. Anh đã làm một thử nghiệm sau khi xin phép các bậc phụ huynh tiếp cận con của họ. Tất cả các bậc phụ huynh đều khẳng định họ đã nhắc nhở con của mình về “mối nguy hiểm với người không quen biết” thường xuyên. Thậm chí có người khẳng định rằng Saladino sẽ không dụ dỗ được con của họ đi theo.

Thật bất ngờ khi anh Saladino dễ dàng tiếp cận với những đứa trẻ. Anh trò chuyện với chúng về con chó mang theo. Hầu hết chỉ sau vài giây, những đứa trẻ này dễ dàng đi theo anh để “xem những con chó khác”.

Hầu hết các bà mẹ đều tỏ ra sốc khi nhìn thấy điều này. Những đối tượng mà Saladino tiếp cận đều là những đứa trẻ 4-5 tuổi, anh kết luận: Mỗi ngày có khoảng 700 đứa trẻ bị bắt cóc, con số này sẽ tới khoảng nửa triệu người mỗi năm. Con của bạn có được an toàn? Mặc dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng video này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ nên trang bị cho trẻ kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình trước người lạ.

HY

(theo Telegraph)

Nói cho trẻ “điều tế nhị”

Đối tượng cần được tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản là trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em.

Cơ sở tư vấn và hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về nhi khoa, sản phụ khoa; trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, trung tâm phòng chống HIV/AIDS; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố; cơ sở tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV; cơ sở tiêm chủng; trạm y tế xã, phường, thị trấn; y tế trường học và các cơ sở khác có cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật. Ngoài ra còn có các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc và yêu cầu cần thiết

Để thực hiện việc tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em đạt được hiệu quả tốt cần bảo đảm những nguyên tắc quy định như: phải tôn trọng, chia sẻ, đồng cảm với trẻ em; phải phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tình trạng sức khỏe của trẻ em; phải phù hợp với năng lực và điều kiện của cơ sở tư vấn, hỗ trợ.

Nói cho trẻ “điều tế nhị”

Trên nguyên tắc đã nêu, việc tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em cần bảo đảm các yêu cầu cần thiết như: người tư vấn và hỗ trợ phải đáp ứng các quy định về chuyên môn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật và được đào tạo, tập huấn về cung cấp dịch vụ thân thiện với trẻ em; khi tư vấn và hỗ trợ phải bảo đảm sự thân thiện, kín đáo, bí mật, riêng tư và chia sẻ, dùng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ em; có thể tư vấn trực tiếp cho trẻ em ở độ tuổi phù hợp hoặc tư vấn cho cha mẹ hay người giám hộ; cần giải thích cho trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ về mục đích, ý nghĩa và quy trình thăm khám trong trường hợp cần thăm khám cho trẻ em.

Đối với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em cần bảo đảm các yêu cầu như: có nơi tư vấn, thăm khám riêng tư, kín đáo; có đủ nhân lực phù hợp theo quy định là người tư vấn và hỗ trợ phải đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật và được đào tạo, tập huấn về cung cấp dịch vụ thân thiện với trẻ em; có cơ chế liên kết và chuyển tuyến giữa các cơ sở tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em khác nhau trong cùng địa bàn hoặc các lĩnh vực can thiệp chuyên môn phù hợp.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản

Để việc tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ em đạt được hiệu quả tốt, thực tế tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ em để tư vấn cho trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với các nội dung như:

Đối với trẻ em từ 0 - 6 tuổi, tư vấn về cách chăm sóc và vệ sinh cơ quan sinh dục trẻ em; phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục giới tính cho trẻ em, phát hiện các bất thường ở cơ quan sinh dục.

Đối với trẻ em từ 7 - 13 tuổi, tư vấn các nội dung như đối với trẻ em từ 0 - 6 tuổi đã nêu trên; đồng thời tư vấn thêm về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý theo độ tuổi, giới tính, khuynh hướng tình dục; trong đó cần lưu ý đến các nội dung như: trẻ em gái nên tư vấn về hiện tượng kinh nguyệt bình thường và kinh nguyệt bất thường, vệ sinh khi có kinh nguyệt, sự rụng trứng và mang thai, hiện tượng thủ dâm...; trẻ em trai nên tư vấn về hiện tượng xuất tinh, xuất tinh lần đầu, hẹp bao quy đầu, vệ sinh dương vật, hiện tượng thủ dâm...

Đối với trẻ em từ 14 - 16 tuổi, cũng cần phải tư vấn các nội dung quy định cần thiết giống như nội dung đã tư vấn cho trẻ em từ 0 - 6 tuổi và trẻ em từ 7 - 13 tuổi đã được nêu ở trên; đồng thời thực hiện thêm các nội dung gồm: phòng tránh các bệnh phụ khoa, nam khoa; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các biện pháp tránh thai phù hợp, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sinh hoạt tình dục an toàn; các kỹ năng sống như kỹ năng thương thuyết, kỹ năng từ chối, kỹ năng xác định giá trị bản thân.

Đối với trẻ em đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cần cung cấp những thông tin và tư vấn về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ em, hướng xử trí, điều trị và phòng ngừa; cũng cần tư vấn cho trẻ em việc chăm sóc sức khỏe sinh sản với những nội dung quy định về chăm sóc sức khỏe sinh sản theo độ tuổi từ 0 - 6 tuổi, từ 7 - 13 tuổi và từ 14 - 16 tuổi như đã nêu ở trên; đồng thời nên tư vấn thêm về những bất thường ở cơ quan sinh dục.

Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện bằng cách xây dựng và cung cấp các tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi của trẻ em, bảo đảm cho trẻ em dễ tiếp cận với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản; cung cấp các dịch vụ tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo độ tuổi phù hợp với điều kiện và phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đồng thời trợ giúp, cung cấp thông tin cho trẻ em về các nội dung cần thiết khác phù hợp với khả năng và điều kiện của cơ sở tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản khi trẻ em có nhu cầu; chuyển trẻ em đến các cơ sở thích hợp như cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành và xâm hại tình dục, cơ sở tư vấn và điều trị những vấn đề về tâm lý và tâm thần, cơ sở cung cấp thông tin và tư vấn cũng như các dịch vụ hỗ trợ trẻ em trong những lĩnh vực khác như pháp luật, tâm lý, hôn nhân và gia đình. Ngoài ra cần thực hiện việc miễn, giảm chi phí tư vấn, điều trị cho trẻ em theo đúng các quy định của pháp luật.

Quy trình thực hiện tư vấn, hỗ trợ

Việc tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp độ tuổi được thực hiện theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với những nội dung đã được Bộ Y tế ban hành. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi phải triển khai thực hiện công tác theo đúng theo nguyên tắc, yêu cầu, nội dung tư vấn và hỗ trợ đã được nêu ở trên kể từ ngày 1/10/2017. Mong rằng trẻ em sẽ được phát triển và lớn lên trong một cộng đồng an toàn, trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi rất cần được toàn xã hội quan tâm hiện nay.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Cho ăn theo cảm xúc ảnh hưởng xấu tới thói quen ăn uống của trẻ

Rafael Perez-Escamilla - Giáo sư dịch tễ học và y tế công cộng tại Trường Y tế công cộng Đại học Yale, cho biết: "Hiện nay có nhiều bằng chứng cho thấy cách cha mẹ cho con ăn có ảnh hưởng lớn đến thói quen ăn uống của trẻ. Cho ăn theo cảm xúc là những gì cha mẹ làm khi đưa thực phẩm hoặc đồ uống cho con để xoa dịu trẻ, chẳng hạn như khi trẻ cáu giận”.

Tác giả chính của nghiên cứu Silje Steinsbekk và các đồng nghiệp cho biết, phụ thuộc vào đồ ăn vặt, đồ tráng miệng và các loại thực phẩm có đường có thể dẫn đến ăn quá nhiều và các nguy cơ sức khỏe.

Trong nghiên cứu mới này, các tác giả đã xem xét việc cho ăn và thói quen ăn uống của hơn 800 trẻ em ở Na Uy, bắt đầu từ 4 tuổi. Họ đã kiểm tra những trẻ này khi chúng 6, 8 và 10 tuổi. Khoảng 2/3 số trẻ ở mọi lứa tuổi có dấu hiệu ăn uống để xoa dịu cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy, trẻ được cha mẹ dỗ bằng đồ ăn ở lứa tuổi 4 và 6 dễ ăn uống theo cảm xúc hơn ở lứa tuổi 8 và 10.

Melissa Cunningham Kay, trợ lý nghiên cứu tại Trường y tế công cộng toàn cầu thuộc Đại học Bắc Carolina, cho biết có những cách tốt hơn để giải quyết sự khó chịu. Thay vì ăn uống, trẻ nên được dạy cách chịu đựng và tìm ra cách để đối phó khi buồn hoặc cáu giận.

GS. Perez-Escamilla cho biết: "Trẻ nhỏ phát triển thói quen ăn uống bằng cách quan sát cha mẹ ăn gì. Nếu trẻ nhìn thấy cha mẹ uống soda, ăn đồ ăn nhanh và món tráng miệng khi bị căng thẳng hoặc buồn, thì đó là những gì các em sẽ làm khi chúng có những cảm xúc tương tự".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development số ra ngày 25/4.

BS P.Liên

(Theo Univadis/ UPI)

6 dấu hiệu chứng tỏ bạn quá can thiệp vào cuộc sống của trẻ

Việc chúng ta luôn cố gắng để con không bao giờ bị vấy bẩn, ốm đau…mặt trái của nó là vô tình thiết lập những thất bại cho con cái trong cuộc sống sau này. Con cái bạn quen được che chở nên mất kĩ năng đối phó với những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống, đó là những điều cha mẹ nên nhìn nhận lại. Dưới đây là những dấu hiệu chứng tỏ bạn quá tham gia vào cuộc sống của con.

Bạn chạy theo trẻ khắp sân chơi

Nếu bạn đang hành động như một lá chắn di động và dang rộng tay để ngăn con bạn khỏi ngã hoặc nghịch bẩn - bạn cần phải điều chỉnh lại bản thân. Bạn có thể bảo vệ cục cưng nhưng hãy chọn vị trí quan sát từ xa thay vì chạy đằng sau la hét, ngăn cản. Hãy theo dõi thời gian chơi của con từ một khoảng cách an toàn và chỉ can thiệp khi có dấu hiệu nguy hiểm như bé bị một trẻ lớn hơn con bạn ít nhất là 5 tuổi bắt nạt hoặc leo trèo những khu vực nguy hiểm.

Bạn luôn làm bài tập ở nhà cùng con

Bạn có liên tục ngồi cùng bàn học với con mỗi đêm, đọc từng câu hỏi và giải bài tập về nhà cùng…trước khi chúng chép vào vở? Hãy ngừng tốn thời gian của bạn vào việc có vẻ như rất sát sao này. Một cách tiếp cận tốt hơn đó là chỉ cùng con bạn đọc to các hướng dẫn cho bài tập và thảo luận về các mối liên quan cũng như giới hạn thời gian thích hợp cho từng chủ điểm.

"Hãy khuyến khích con để làm tốt nhất công việc của chúng và gợi mở bằng cách đặt câu hỏi" là lời khuyên tốt.

Bạn luôn lôi con vào để rửa tay hoặc đánh răng cho chúng

Có thể chỉ mất 20 phút mỗi tối trước khi các con đi ngủ, nhưng lời khuyên là hãy chấm dứt ngay hành động này thay vào đó dạy cho trẻ cách tự chăm sóc các nhu cầu riêng của con. Để sẵn xà phòng ở bồn rửa, có thể đặt thêm một chiếc ghế an toàn phù hợp cho các bé chưa đủ chiều cao để với tới vòi rửa. Dần dần, các con có kĩ năng và có thể tự kì cọ đôi chân của bé.

dau-hieu-chung-to-ban-qua-can-thiep-vao-cuoc-song-cua-tre

Bạn không khuyến khích trẻ biết chấp nhận rủi ro

Đây là bài học đầu tiên bạn cần bận tâm. Đừng cố sức cách ly trẻ khỏi những rủi ro không may, quá bảo vệ trẻ sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho cuộc đời của trẻ. Điểm thi thấp và có những hành động thiếu suy nghĩ…về mặt nào đó có thể cũng là những trải nghiệm để trẻ em phải suy nghĩ và rút ra bài học. Dạy các em cách biết chấp nhận rủi ro ở tuổi trưởng thành là điều nên làm hơn là biến chúng thành một "con gà ngơ ngác".

Bạn giải cứu trẻ quá nhanh

Thất bại là một phần quan trọng của cuộc sống, nhưng một số người trong chúng ta không sẵn sàng để cho phép đứa con nhỏ bé của của mình trải nghiệm những chuyện chúng ta không hài lòng. Thế hệ trẻ ngày nay đã không có cơ hội phát triển một số kỹ năng sống của trẻ con như chúng ta đã làm cách đây 30 năm bởi vì được người lớn chăm sóc quá kĩ càng. Mong muốn chăm sóc cho con mình và không muốn chúng gặp bất lợi khiến cha mẹ hoặc thầy cô đã luôn làm thay cho chúng ngay cả những điều nhỏ nhất như khai một sơ yếu lí lịch hoặc chủ động quyết định tham gia một khóa học... Chúng ta đã gỡ bỏ khỏi con cái những kĩ năng đối phó tối thiểu và cách giải quyết khó khăn khiến cho các em hoàn toàn không chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi trưởng thành".

Bạn quá dễ dàng khen ngợi con

Cổ vũ con quá mức khiến cho trẻ em tin rằng các em có tài năng. Đó là lời khen không trung thực và ngăn không cho các em phát hiện ra tài năng bẩm sinh của mình. Khi con cái tự cảm thấy sự cổ vũ đặc biệt từ bạn với bất kể những gì các con đạt được sẽ tạo ra một cảm giác sai lầm về sự tự tin và điều này sẽ nhanh chóng bị xẹp xuống và rất có thể dẫn đến trầm cảm khi các con dần nhận thức được vấn đề một cách thực tế, khi những đứa trẻ bước vào thế giới thực và nhận ra rằng mẹ là người duy nhất nghĩ nó tuyệt vời.

Sẽ thật khó khăn cho cha mẹ để vứt bỏ ý nghĩ rằng không cần dang tay ôm ấp bảo vệ con cái và làm tất cả mọi thứ cho chúng, nhưng bạn nên sớm suy nghĩ đến việc chúng ta nên từ bỏ quyền kiểm soát quá sâu vào cuộc sống của trẻ, điều này giúp trang bị cho trẻ những kỹ năng thiết yếu và lòng tự tin cần thiết để hướng tới tương lai.

Mai Hương/HVQY

(theo sheknows.com)

Đừng bỏ qua những dấu hiệu & chậm phát triển tâm thần ở trẻ

Bệnh lý chậm phát triển tâm thần có thể nói là trạng thái chậm hoặc không phát triển tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong quá trình phát triển của cơ thể, chủ yếu là trong thời gian 3 năm đầu đời khi hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn chỉnh về mặt cấu trúc cần thiết. Tình trạng chậm phát triển tâm thần có nguyên nhân có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện sớm, một số trường hợp có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

Nguyên nhân

Chậm phát triển tâm thần nguyên phát thường do các rối loạn bệnh lý di truyền, mắc các khuyết tật về gen như: bị hội chứng Down, chứng đầu nhỏ, bệnh não thủy thũng (não úng nước), có bất thường của nhiễm sắc thể giới tính; bị rối loạn chuyển hóa, mắc chứng đần độn, bị thiểu năng tuyến giáp trạng, có các thiếu sót chuyển hóa trong thời kỳ sơ sinh...

Các biểu hiện ở những tuần đầu tiên ngay sau khi trẻ được sinh ra thường có dấu hiệu giống trẻ sinh non như ngủ nhiều Ảnh minh hoạ

Chậm phát triển tâm thần thứ phát thường do người mẹ sinh ra trẻ bị mắc một số bệnh lý vì các tổn thương của bệnh giang mai, nhiễm độc, chấn thương khi sinh nở; do trẻ bị vàng da sơ sinh nặng, sinh non, mắc bệnh nặng hay bị chấn thương lúc còn nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Đồng thời cũng có thể xảy ra ở những trẻ bị bỏ rơi, thiếu sự chăm sóc và nuôi dưỡng khi còn thơ ấu.

Trong những năm gần đây, các vấn đề về tâm lý xã hội nảy sinh, thiếu hụt cảm xúc, thiếu tiếp xúc tình cảm yêu thương đầy đủ giữa mẹ và con, nhất là trong khoảng thời gian 3 năm đầu đời khi trẻ mới sinh ra do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng chậm phát triển tâm thần của trẻ.

Theo các nhà khoa học, tình trạng chậm phát triển tâm thần nhẹ thường do sự kết hợp của yếu tố sinh học và yếu tố xã hội; các trường hợp chậm phát triển tâm thần nặng có thể chỉ do các tổn thương thực thể gây ra.

Sự quan tâm của trẻ chậm phát triển tâm thần đối với các sự việc xảy ra chung quanh bị giảm sút

Biểu hiện

Các biểu hiện ở những tuần đầu tiên ngay sau khi trẻ được sinh ra thường có dấu hiệu giống trẻ sinh non như ngủ nhiều, không có nhu cầu bú sữa mẹ. Xu hướng ngủ nhiều có thể kéo dài trong vài tháng, trẻ ít cựa quậy, ít khóc hoặc không khóc. Các phản ứng của trẻ như đưa mắt theo dõi vật chuyển động, phản ứng với tiếng động như quay đầu về phía có tiếng động hoặc khóc, thay đổi vẻ mặt... khi có tiếng động ở mức độ ít hoặc chậm; nhiều khi hiện tượng này làm cho chẩn đoán nhầm là trẻ bị điếc. Tóm lại sự quan tâm của trẻ đối với các sự việc xảy ra chung quanh bị giảm sút hoặc hầu như không có. Trẻ chậm cười, chậm có sự chú ý tới những kích thích chung quanh; chậm phát triển về vận động như chậm lẫy, bò, ngồi, đi, đứng, nói...; trẻ cũng chậm biết nhai. Bình thường trẻ từ 12 - 20 tuần tuổi hay nằm nhìn bàn tay nó cử động, hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở những trẻ chậm phát triển tâm thần có khi tới 2 - 3 tuổi. Trẻ bình thường hay ném các đồ vật có được trong tay xuống đất cho tới khi trẻ được 15 - 16 tháng tuổi, đối với trẻ chậm phát triển tâm thần thì hành động này kéo dài thời gian hơn. Trẻ thường không chú ý đến các vấn đề chung quanh, chỉ nhìn thoáng qua hoặc không nhìn theo các đồ vật, thiếu sự chú ý, không cố gắng để nhặt lại những đồ vật bị đánh rơi, có phản ứng nhạy hơn đối với các thử nghiệm tâm lý. Tuy nhiên cũng có trẻ tỏ ra quá hiền lành, ngờ nghệch; ngược lại có trẻ lại tăng động, giảm chú ý. Trong thực tế, trẻ chậm phát triển tâm thần có thể có biểu hiện lâm sàng rõ rệt hay kín đáo ngay từ khi mới sinh ra nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ phát triển bình thường cho tới một độ tuổi nào đó, thường là trước 3 tuổi rồi mới có biểu hiện chậm phát triển tâm thần dần dần. Ngược lại, một số trẻ có biểu hiện chậm phát triển về sự vận động cũng như các hoạt động tâm thần khác nhưng đến một độ tuổi nào đó, cũng thường trước 3 tuổi lại có khả năng phát triển tâm thần nhanh hơn. Vì vậy trong những trường hợp nghi ngờ trẻ bị chậm phát triển tâm thần, cần phải đưa trẻ đi khám và theo dõi cẩn thận sự phát triển của trẻ mới có thể có kết luận chính xác và xử trí can thiệp điều trị kịp thời, phù hợp.

Các biểu hiện ở tuổi mẫu giáo và tuổi đi học của trẻ cũng khác biệt. Ở nhóm tuổi này, tình trạng chậm phát triển tâm thần thường dễ bộc lộ bởi sự yếu kém trong các mặt hoạt động tâm hồn và trí tuệ của trẻ. Những năm đầu thường có thể gây nên trạng thái gọi là giả chậm phát triển tâm thần ở mức độ vừa và nhẹ. Nếu được phát hiện và xử trí can thiệp sớm, đúng lúc và phù hợp, trạng thái tâm thần của trẻ có khả năng được cải thiện rõ rệt. Trái lại, nếu không thực hiện được theo yêu cầu mong muốn, tình trạng chậm phát triển tâm thần cua trẻ có thể không phục hồi được giống như các trường hợp chậm phát triển tâm thần khác.

Điều trị

Trên thực tế, trừ một vài trường hợp trẻ bị chậm phát triển tâm thần có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm; phần lớn các trường hợp khác không thể chữa khỏi, vì vậy việc xử trí can thiệp lúc này là tích cực giúp cho trẻ học tập và rèn luyện, sử dụng những khả năng tiềm ẩn, khả năng bù trừ của hệ thần kinh trung ương. Đối với các trường hợp trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ vừa và nhẹ, việc chỉ dạy, huấn luyện, hướng dẫn, giúp đỡ trẻ là vấn đề rất quan trọng để trẻ có thể hòa nhập được với cuộc sống gia đình và xã hội, tự lập được trong cuộc sống sau này.

Trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ vừa và nhẹ, việc chỉ dạy, huấn luyện, hướng dẫn, giúp đỡ trẻ là vấn đề rất quan trọng

Ở những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em phát triển, những trẻ em bị chậm phát triển tâm thần được chăm sóc chu đáo, có nhiều hình thức học tập và huấn luyện tại các cơ sở như khoa nội trú, bệnh viện ban ngày, trung tâm tâm lý y học giáo dục, cơ sở phục hồi chức năng... Tại những trường phổ thông cơ sở, có các lớp học đặc biệt dành riêng cho trẻ em chậm phát triển tâm thần do các giáo viên được đào tạo chuyên môn về nội dung dạy học cho đối tượng này phụ trách giảng dạy. Đồng thời sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, trường học và gia đình trong việc nuôi dạy, giúp đỡ, hướng dẫn, chăm sóc, huấn luyện... cho các trẻ chậm phát triển tâm thần có thể cho nhiều kết quả tốt, đặc biệt là đối với trẻ bị mắc bệnh lý ở mức độ vừa và nhẹ. Trong thời gian gần đây, trẻ em chậm phát triển tâm thần đã được ngành Y tế, gia đình và xã hội chú ý nhiều hơn nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu mong muốn, chỉ mới triển khai thực hiện biện pháp xử trí điều trị can thiệp với tính chất thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi mở rộng mô hình. Vấn đề này cần được cộng đồng quan tâm để có giải pháp cụ thể, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cả xã hội trong tương lai.

Lời khuyên của thầy thuốcCần lưu ý việc phát hiện sớm nguyên nhân làm cho trẻ bị chậm phát triển tâm thần và xử trí can thiệp đúng lúc là rất quan trọng, cần thiết để phục hồi trạng thái tâm thần bình thường. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng chậm phát triển tâm thần của trẻ nói chung là một trạng thái bệnh lý khá ổn định, đây là hậu quả của nhiều quá trình bệnh lý khác nhau và không có tính chất diễn biến tiến triển.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Einstein: Chuyện cổ tích giúp trẻ thông minh và sáng tạo hơn

Sức mạnh của những câu chuyện cổ tích

Những câu chuyện cổ tích giúp trẻ thông minh hơn

Một người mẹ muốn con mình trở thành một nhà khoa học như Einstein nên đã hỏi ông rằng, con bà nên đọc sách gì trong những năm tháng học đường của cháu để cháu có thể trở thành nhà bác học như ông.

Einstein đã trả lời như sau, “nếu bà muốn bọn trẻ được thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho các em nghe. Nếu bà muốn bọn trẻ thông minh hơn, hãy đọc nhiều truyện cổ tích hơn cho các em nghe.”

Nhà bác học Albert Einstein

Nhà bác học Albert Einstein

Người mẹ khá lo lắng và không tin rằng đây là câu trả lời nghiêm túc từ nhà bác học vĩ đại và tiếp tục gặng hỏi để có được một câu trả lời tầm cỡ như bà hằng mong muốn.

Tuy nhiên, nhà bác học giản dị đã giải thích rằng, sự sáng tạo là một tố chất quan trọng của một nhà khoa học đích thực và những câu truyện cổ tích là chất xúc tác để tạo nên sự sáng tạo nhiệm mầu đó.

Cha mẹ hãy dành thời gian kể chuyện cho bé

Trong đời sống hiện đại, do bận rộn với cuộc sống thường ngày để lo kinh tế gia đình, cha mẹ dường như không có nhiều thời gian để kể những câu truyện cổ tích cho các em. Thay vào đó Google, Youtube hay các trang mạng khác đã trở thành người bạn vô hình thường trực của các em.

Người bạn này- sẽ là người bạn đời thật tốt nếu các em học được những kiến thức học thuật hay nhân văn bổ ích từ họ trong một khung thời gian hợp lý.

Họ sẽ là người bạn xấu khi họ dẫn dắt các em làm những điều mà chính các em cũng không tưởng tượng được hậu quả lâu dài, vì các em còn quá nhỏ.

Một ví dụ minh họa là một bé gái lớp một, nói em không thích xem những bộ phim hoạt hình vì những bộ phim đó “trẻ trâu”. Em thích nghe những bài ca người lớn và những bộ phim học đường người lớn có “sexy lady.” Em mới học hết lớp một mà em cao chỉ kém anh bạn hàng xóm gầy còm lớp 6 một chút ít.

Chuyện cổ tích mở ra thế giới màu nhiệm hoàn thiện nhân cách của trẻ thơ

Chuyện cổ tích mở ra thế giới màu nhiệm hoàn thiện nhân cách của trẻ thơ

Em nói là bạn bè em cũng có sở thích giống như vậy và em hay giấu bố mẹ xem những bộ phim như thế trong tủ quần áo. Nhưng khi được hỏi, mẹ em có kể truyện cổ tích cho em không thì bỗng chốc đôi mắt em đã lóe sáng lên hạnh phúc, và em trả lời thật to đầy ngạc nhiên, “Mẹ con chẳng bao giờ đọc truyện cho con nghe đâu cô.”

Internet có mặt lợi và cũng có những mặt hại, sự tiếp xúc quá sớm và thường xuyên của các em với các nguồn thông tin trưởng thành trên Internet- đôi khi có thể là hạt giống xấu- góp phần gây nên chứng tăng động bồn chồn chân tay và trí óc mang tên ADHD phổ biến ở trẻ nhỏ Mỹ hay sự dậy thì sớm-một sự lo lắng thường trực mà chỉ có gia đình mới hiểu.

Nuôi dưỡng tâm hồn & khả năng sáng tạo

Quay lại với thế giới cổ tích nhiệm mầu- không chỉ gói gọn trong những quả bí ngô của bà tiên hay đôi giày lấp lánh của cô công chúa Cinderella chăm chỉ- mà bây giờ thế giới nhiệm mầu đó đã mở rộng ra với những đầu sách mới như: sách kĩ năng sống cho trẻ em, hạt giống tâm hồn, truyện ngắn về những tâm gương sáng vượt khó, truyện dân gian, truyện khoa học vui…hay cả những bài thơ khai thác nét đẹp quê hương và tình cảm gia đình chở che, dung dị.

Chuyện cổ tích mở ra chân trời sáng tạo cho một nhà khoa học trong tương lai

Chuyện cổ tích mở ra chân trời sáng tạo cho một nhà khoa học trong tương lai

Cha mẹ chỉ cần bớt chút thời gian để chọn ra những mẩu truyện thú vị phù hợp với các em và kể cho các em nghe trong mười lăm phút đồng hồ là ổn rồi.

Hay cha mẹ có thể vừa cùng con nhặt rau, nấu cơm lại vừa hỏi con về ý nghĩa của những truyện đã học.

Những câu truyện cổ tích đầy tính nhân văn có thể giúp cô bé lớp một kia tìm lại tuổi thơ của mình, hình thành một nhân cách tốt hơn và trở thành một trong những nhà văn, nhà thơ, nhà diễn giả truyền động lực, nhà giáo, một danh họa hay một nhà khoa học trong tương lai. Bởi những câu truyện cổ tích là chất xúc của sự sáng tạo như Einstein đã nói.

Và chỉ có gia đình thân yêu mới có thể giải thích, khuyên răn và bảo vệ các em khỏi cơn bão công nghệ thông tin-bằng sự quan sát thầm lặng thường xuyên và bằng việc tạo ra các thói quen tích cực như đọc truyện cổ tích cho các em.

Trần Phương Loan

(theo Einstein’s Folklore/Folklife Today)

Các hội chứng tâm lý dễ mắc ở tuổi dậy thì

Ở giai đoạn dậy thì, cơ thể các em có những thay đổi không chỉ về sinh lý mà còn cả tâm lý. Nhiều khi những sự thay đổi ấy lại khiến các em rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân và dễ mắc phải các hội chứng tiêu cực. Dưới đây là những hội chứng tâm lý mà các em dễ mắc ở tuổi dậy thì.

Tuổi dậy thì là lứa tuổi chịu nhiều những biến đổi về hình thể, tâm sinh lý phức tạp nhất của đời người, do đó dễ bị khủng hoảng nhất so với các tuổi khác. Chính vì vậy mà các hội chứng tâm lý cũng dễ xảy ra ở lứa tuổi này.

Tuổi dậy thì dễ mắc hội chứng tâm lý vì sao?

Về hình thể bên ngoài, khi bước vào tuổi dậy thì vẻ bề ngoài của các em có sự thay đổi rất lớn: cơ thể phát triển rất nhiều so với trước kia. Con gái ngực to ra, có kinh nguyệt; con trai vỡ tiếng, bắt đầu có ria mép... Nếu cùng lứa tuổi với nhau, em nào có trước tiên những biểu hiện dậy thì sẽ dễ bị bạn bè “hiểu lầm” và bị phân biệt đối xử. Có những em khi dậy thì mặt bị mụn bọc, mụn cám rất nhiều, nhưng không muốn ai nói hoặc chê bai về hình thức của mình. Hay sự thay đổi về chiều cao (các em cao nhanh trong giai đoạn này) cũng có khi làm các em bối rối.

Các em dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, nếu không ai giải thích điều này các em càng dễ bị sốc và hoang mang hơn... Những áp lực về tâm lý của các em nếu không có người giúp giải tỏa thì về lâu dài sẽ ngày càng đè nặng lên, khiến các em có thể bị các rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc và rối loạn tâm thần.Tuổi dậy thì cần sự chăm sóc

Tuổi dậy thì cần sự chăm sóc và hướng dẫn của cha mẹ để con vững bước vào đời.

Những dấu hiệu trẻ bị rối loạn tâm lý hành vi

Các em bị suy giảm khả năng học hành bất thường. Căng thẳng, dễ bực dọc, đôi lúc tỏ ra hỗn láo với người lớn. Có khi mất ngủ, đứng ngồi không yên; có những hành vi bất thường như bỏ nhà ra đi, gây hấn với người khác, rối loạn cảm xúc (vui buồn thất thường, cáu gắt, hưng phấn thái quá hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm)...

Có thể trẻ bị rối loạn suy nghĩ, suy nghĩ lệch lạc từ nhẹ đến nặng. Có trường hợp lúc nào cũng nghĩ rằng có người yêu mình hoặc thấy ai đẹp là tiến đến khen người đó hoặc nói thẳng là thích bạn đó. Có trường hợp sợ bị mắc bệnh gì đó, sợ làm lây bệnh cho người khác dù mình không hề bị bệnh...

Các em có thể chuyển từ rối loạn hành vi sang rối loạn tâm thần với những triệu chứng hoang tưởng và điều này càng làm các em cách biệt về mặt thực thể đối với người khác. Lúc đó, con sẽ có những hành vi và lời nói không phù hợp với thực tế.

Hội chứng tâm lý dễ mắc ở tuổi dậy thì

Rối loạn cảm xúc

Những biến đổi tâm lý khiến các em nhạy cảm hơn, cảm xúc cũng dễ thay đổi hơn. Rối loạn cảm xúc xảy ra khi có tình trạng rối loạn tại não bộ, gây nên những bất ổn về tinh thần như chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang cảm xúc ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại, thoắt buồn thoắt vui. Biểu hiện của rối loạn cảm xúc là chán ăn (dù đang đói), mất ngủ, gầy sút, hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên, vẻ mặt không tươi tắn...Các em dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, hay suy diễn đến những trạng thái tiêu cực...

Stress và trầm cảm

Ở độ tuổi nhạy cảm này thường dễ bị áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè… Thậm chí, cả những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng hay trình độ cá nhân, những mong muốn vượt quá khả năng bản thân và gia đình… cũng dẫn đến stress. Khi rơi vào trạng thái stress, các em cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, đau đầu, suy nghĩ luẩn quẩn, giấc ngủ không yên… Chính vì vậy, kết quả học tập của các em thường giảm sút, sức khỏe cũng yếu hơn so với các bạn bình thường.

Trầm cảm là rối loạn tâm thần dễ mắc phải ở lứa tuổi dậy thì do những thay đổi từ lượng hormon trong cơ thể, áp lực từ xung quanh, từ học hành, bố mẹ, thầy cô, bạn bè hay cả từ các chất kích thích..., với nhiều triệu chứng như hay buồn bã, không quan tâm tới mọi thứ xảy ra xung quanh và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, bi quan, sống thu mình, ngại giao tiếp với bạn bè và người thân... Khi bị trầm cảm, các em thường tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Thậm chí, rất nhiều bạn chỉ quan tâm và sống trong thế giới “ảo”. Nguy hiểm hơn, stress và trầm cảm ở tuổi dậy thì còn có thể dẫn đến hành vi tự tử.

Rối loạn tâm lý và hành vi

Ở lứa tuổi dở trẻ em, dở người lớn này, nhiều em tự nghĩ mình kém cỏi, tự ti và mất bình tĩnh. Tự ti dần dần khiến trẻ trở nên e dè, ngại tiếp xúc, không thích bộc lộ, nghi ngờ khả năng của bản thân... Với sức khỏe, tự ti sẽ khiến các em dễ rơi vào trạng thái stress, mệt mỏi thường xuyên, thừa cân... Đây chính là nền tảng đẩy các em rơi vào những hội chứng tâm lý khác như: trầm cảm, hoang tưởng... Ở tuổi này, các em dễ bị tác động từ sách báo, phim ảnh bạo lực, các văn hóa phẩm đồi trụy và cả từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi và gây nên những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, trộm cắp, đua xe mạo hiểm…

Lời khuyên của thầy thuốc

Các rối loạn tâm lý, hành vi, rối loạn tâm thần tuổi dậy thì tuy dễ gặp nhưng cũng có thể điều trị khỏi được nếu bệnh của các em được chẩn đoán sớm và điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần. Về phía các bậc cha mẹ, khi thấy con em mình có những biểu hiện tâm lý không bình thường thì không nên giấu giếm, mặc cảm về những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần của con cái mà nên đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần càng sớm càng tốt. Đây là lúc các em rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của người thân trong gia đình cũng như của các thầy thuốc. Chính sự chăm sóc và điều trị sớm sẽ giúp các em nhanh chóng thoát khỏi những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần. Cha mẹ nên là người bạn thân nhất của con. Khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy... Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con bằng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nếu thấy diễn biến tâm lý của con ngày càng theo chiều hướng tiêu cực hơn, cần đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý ngay để có hướng điều trị kịp thời.

BS. Lê Anh

Nỗi lo vị thành niên sống với giới tính ảo

Tình trạng lệch lạc giới tính hay sống với giới tính ảo ở thanh thiếu niên hiện nay không còn là chuyện hiếm và rất được xã hội quan tâm. Cho dù xã hội đã cởi mở hơn với việc con người ta được sống với giới tính thật của mình, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều em a dua đua đòi và lệch lạc giới tính giả, gây nhiều hệ lụy không tốt cho tâm sinh lý lứa tuổi.

Trên truyền hình hay ngoài xã hội, những cảnh người này người nọ tự nhận mình phi giới tính: hôm nay là tomboy, ngày mai lại thành cô nàng đỏng đảnh… Chỉ đến một ngày, khi con em mình cũng phi giới tính như vậy thì nỗi lo lắng con rơi vào tình trạng lệch lạc giới tính, sống bằng giới tính ảo thực sự hiện hữu.

Cho đến nay, cả y học và xã hội chưa đưa ra lời giải cho nguyên nhân của hiện tượng đồng tính. Nhưng chuyện phi giới tính “nở rộ” như hiện nay, nguyên nhân thì có rất nhiều, trong đó không loại trừ cả việc các em đang sống bằng giới tính ảo, theo phong trào. Ở độ tuổi vị thành niên, do sự định hình nhân cách còn đang trên đà phát triển nên các bạn trẻ rất dễ chịu ảnh hưởng từ người khác, dễ bắt chước và bị lôi kéo... từ đó dần trở nên hoài nghi về giới tính thật của mình. Phần lớn tâm tính các em chưa ổn định, thích a dua, lạ đời, độc chiêu, thích nổi tiếng… Rồi có nhiều em tự lầm tưởng về giới tính của mình khi bị người đồng tính thật lôi kéo, dụ dỗ và cứ thế nghe theo và lệch lạc giới tính.

Lệch thật - lệch giả

Hiện tượng lệch lạc giới tính có hai dạng, phụ thuộc vào hai nguyên nhân chính - đó là lệch lạc giới tính thật và lệch lạc giới tính giả.

Trước tiên, nguyên nhân của lệch lạc giới tính là do yếu tố sinh học, do bẩm sinh, di truyền, biến đổi hormon... Những trường hợp này không nhiều, gia đình và xã hội chấp nhận họ như dân gian thường nói “trời sinh ra thế”. Người mắc chứng này cũng rất đau khổ bởi họ phải sống trong một thể xác thuộc về giới tính khác chứ không phải là họ. Về lâu dài, họ sẽ tìm cách chuyển đổi giới tính để được sống với giới tính thật của mình.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai là do yếu tố tâm lý xã hội... tác động làm biến đổi giới tính ở cá nhân đó. Các nhà chuyên môn gọi đây là hiện tượng đồng tính giả. Tình trạng các em lệch lạc về giới tính, sống cảnh đồng tính giả chiếm số đông trong các cặp đôi đồng tính, gây không ít lo lắng cho người thân. Hay có thể gọi đây là những trường hợp đang sống bằng giới tính ảo. Đối tượng này thực sự rất đáng phải quan tâm vì những nguy hiểm nhất sẽ xảy ra xoay quanh mối quan hệ phức tạp này. Từ chuyện lệch lạc giới tính giả, nếu để lâu ngày và không có sự điều chỉnh hành vi thì có thể dễ dàng trở thành thật (sự biến dạng về tâm lý). Sự phát triển lệch lạc không lành mạnh về giới tính, nếu không được điều trị đến cùng, các em sẽ sống thật với giới tính ảo. Việc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc, sự nghiệp của bản thân và các mối quan hệ xã hội.

Đi sâu hơn nữa, nếu như lệch lạc giới tính thật là do di truyền hay vấn đề sinh học bên trong cơ thể gây nên thì lệch lạc giới tính giả thường có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do yếu tố tâm lý xã hội tác động làm biến đổi giới tính ở cá nhân. Bên cạnh đó, việc sống trong một môi trường thiếu thốn tình cảm, có hoàn cảnh luôn phải chứng kiến bạo lực gia đình, bị quấy rối, lạm dụng hay mất lòng tin vào người khác giới... cũng là nguyên nhân dễ làm các bạn trẻ có những nhận thức sai lệch về giới tính của mình. Khi đó, tâm lý hụt hẫng, thiếu thốn tình cảm cộng với một tính cách không ổn định thường rất dễ rơi vào trạng thái thích và yêu người cùng giới. Nguyên do của lệch lạc giới tính giả cũng do các bạn trẻ muốn được thử nghiệm những cảm xúc mạnh, khác người, nhiều em tiếp xúc với hình ảnh quan hệ tình dục khi còn rất nhỏ, khi đó, tình cảm, cảm xúc và suy nghĩ của các em chưa ổn định. Chính vì vậy, các em rất dễ bị lạm dụng bởi những kẻ bệnh hoạn cùng giới.

Cha mẹ nên làm gì?

Cha mẹ cần giáo dục cho con em có một nhân cách vững vàng, không bị rơi vào những cạm bẫy và không bị lạm dụng. Nên nói chuyện giới tính với con từ nhỏ, phù hợp với từng lứa tuổi, đặc biệt là khi trẻ vào tuổi dậy thì. Cần dạy con phương cách đối phó với cạm bẫy về tình dục đồng giới. Tạo cho con em một đời sống tình cảm phong phú và êm ấm. Khi thấy con có dấu hiệu lệch lạc giới tính, gia đình nên đưa con đi khám và gặp chuyên viên tâm lý để được khai thác bệnh sử, tìm hiểu về cuộc sống, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và tình trạng sức khỏe của con nhằm giúp các em có khái niệm rõ ràng về giới tính để các em sống thật với chính mình. Tuyệt đối không xúc phạm hay quá lời mắng mỏ con. Khi đó, con sẽ chống đối và các liệu pháp kéo các em về giới tính thật của mình sẽ thất bại.

Đinh Mạnh Trí

Dạy con biết động viên và cảm thông

Như các bậc phụ huynh có thể thấy, bệnh thành tích đã ăn sâu vào trong lòng mỗi thành viên trong gia đình, phá hỏng đi hoàn toàn những thứ quý giá như tình cảm bạn bè, tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Trẻ em sẽ dễ dàng cười nhạo bạn bè khi thấy bạn mình thất bại. Các em cũng dễ dàng nghĩ đến những hành vi "xấu chơi" với bạn. Điều đó xảy ra nhiều khi nặng nề thành bạo lực học đường. Cũng có khi đơn giản chỉ là lườm nguýt nhau tí chút. Nhưng hậu quả mà các em phải gánh chịu còn xa hơn thế. Đó chính là sự cô độc.

Trong chúng ta, không ai không biết rằng lúc thất bại, lúc khổ đau mới là lúc cần có sự trợ giúp tinh thần rất lớn. Khi ai đó ngã xuống hố, việc chúng ta cần làm là phải giang tay kéo họ lên trên chứ không phải là lại đẩy họ xuống sâu hơn. Thói quen thích "dìm hàng" người khác là một biểu hiện vô cùng "xấu xí" mà chúng ta đã quá quen thuộc. Nhưng nếu chúng ta là người đang gặp thất bại thì sao? Rõ ràng cảm giác cô độc khiến cho chúng ta đôi khi không dám khóc, không dám thể hiện nỗi sợ hãi của mình. Sự thật là điều đó còn là nguyên nhân của sự rụt rè, tự ti, mặc cảm của chính ta nữa đấy.

Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ một video một buổi trình diễn thể dục của các em nhỏ người Nhật. Khi một cậu bé không thể vượt qua phần thi nhảy cừu, các bạn nhỏ lập tức chạy xuống và thể hiện thái độ đoàn kết, động viên với cậu bạn. Kết quả là cậu bé đó đã vượt qua chướng ngại vật của sự tự ti và hoàn thành xuất sắc bài thi. Điều này khiến nhiều bạn đọc tỏ thái độ ngưỡng mộ người Nhật và lập tức lên tiếng chê bai ngành giáo dục. Tuy nhiên có mấy ai nghĩ rằng chính các cha mẹ cũng đang là những người dạy con "dìm hàng" người khác, dạy con không trợ giúp bạn bè khi thất bại?

Một vài hiện tượng sau để các cha mẹ cùng suy nghĩ nhé.

1. Cách đây không lâu, một thanh niên đã nhảy xuống sông tự tử ở Đà Nẵng. Thay vì tìm cách cứu người thanh niên đó thì tất cả những nhân chứng đứng trên bờ đều cười nói, chỉ chỏ và gần như đồng loạt bật điện thoại để quay lại khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời chàng thanh niên kia. Thái độ vô cảm đến mức máu lạnh của những nhân vật này sẽ là một gương vô cùng xấu cho những đứa trẻ.

Chúng ta có thể học được một bài học: khi nào thấy có ai gặp nạn thì tốt nhất là bỏ mặc họ và quay clip để còn up lên facebook.

Chúng ta dư biết rằng, thái độ vô cảm này không chỉ có ở Đà Nẵng mà còn có ở khắp nơi. Với những "bài học" dạng này, bọn trẻ sẽ học hỏi được gì?

2. Cha mẹ hãy nhớ lại xem chúng ta đã bao giờ nói với con là phải đứng đầu lớp hay chưa? Đã bao giờ chúng ta mắng con khi thấy điểm học của con thấp hơn của một bạn nào đó hay chưa? Tạo áp lực cho trẻ để trẻ ra sức học tập không khiến trẻ tìm thấy niềm vui và sự đam mê tìm hiểu mà chỉ khiến các em cảm thấy việc học tập là vô cùng mệt mỏi. Chưa kể điều đó còn khiến trẻ em "ghét bạn ghét bè" và luôn cảm thấy rõ sự cạnh tranh. Sống với sự cạnh tranh đó, tình bạn của trẻ không bao giờ là thực sự thuần khiết.

3. Cha mẹ đã bao giờ dạy con trợ giúp bạn khi bạn gặp khó khăn chưa? Nếu chưa dạy thì con có vô cảm trước người khác cũng là bình thường. Trong xã hội còn đang nhiều rối loạn nhiễu phương, chúng ta đưa tay ra giúp người khác cũng có thể sẽ vướng vào hiểm họa cho chính mình. Điều này cũng có thể gây mâu thuẫn khi chẳng may lại dạy con thành vô cảm. Vì thế, cách giải quyết chính là dặn con: Nếu thây ai đó gặp nạn, con biết mình không thể cứu được hoặc hoàn cảnh đó khiến con gặp nguy hiểm thì con không nên lao vào cứu nhưng hãy nhấc máy gọi cho cấp cứu hoặc cảnh sát. Đó chính là cách cứu giúp tốt nhất cho người bị nạn.

4. Khi một đứa trẻ gặp khó khăn khi làm việc gì đó, thái độ của các cha mẹ thế nào? Rất nhiều cha mẹ sẽ lao ra làm hộ con ngay. Nếu các cha mẹ đứng đó quan sát, cổ vũ, động viên con thực hiện, rồi vỗ tay reo mừng khi con thành công, rõ ràng con sẽ học hỏi được rất nhiều. Thái độ không tin tưởng trẻ, luôn tính cách làm hộ con sẽ khiến con không cảm thấy cần động viên chia sẻ với ai.

day-con-biet-dong-vien-va-cam-thong

"Cảm thông" là một đức tính tốt mà trẻ nên có

5. Khi con không làm tốt việc gì đó, các cha mẹ sẽ làm gì? Nhiều cha mẹ tự đánh giá là con chưa thể làm được và đôi khi còn nặng lời với con. Điều con cần là sự động viên kịp thời và nếu cha mẹ làm thế, lần sau khi bạn bè chưa hoàn thành tốt công việc, con cũng sẽ học theo mà động viên bạn.

Nuôi dạy con là việc không hề đơn giản. Việc đó không chỉ đòi hỏi phương pháp dạy dỗ trẻ đúng cách mà còn đòi hỏi sự điều chỉnh hành vi và cảm xúc của chính cha mẹ. Nếu thật sự yêu thương và sống vì con, chắc chắn chúng ta phải làm nhiều hơn chỉ một câu nói đơn giản, phải không các bạn?

TS. Vũ Thu Hương

Teen có cần tình yêu của cha mẹ?

Các cha mẹ yêu quý, có vẻ như chúng ta chóng quên quá. Chúng ta không thích cái sự ôm ấp kiểu "gà mẹ bảo vệ gà con", nhưng nếu cha mẹ bơ mình đi thì chắc chắn chúng ta sẽ vô cùng tổn thương.

Ở tuổi niên thiếu, teen cần tình yêu, đó là điều vô cùng rõ ràng. Nhưng thể hiện tình yêu với teen thế nào đây? Làm cách nào để không quá ướt át khiến teen xấu hổ? Hoặc làm cách nào để teen không có cảm giác bị bó buộc, chăm sóc thái quá, giữ gìn thái quá.

Teen-co-can-tinh-yeu-cua-cha-me

Cha mẹ vẫn có thể bày tỏ tình yêu với teen bằng cách viết nhật ký hay thông qua người khác

Có thể khẳng định rằng, một trong những điều mà cha mẹ chắc chắn phải làm, không phải cho riêng teen mà cho mọi đứa trẻ, mọi lúc, mọi nơi là DÀNH CHO CON TÌNH YÊU VÀ CHO CON BIẾT MÌNH YÊU CON ĐẾN THẾ NÀO. Bởi vì tình yêu của cha mẹ chính là tài sản quý giá nhất mà mỗi con người nhận được. Họ có thể đem tình yêu đi khắp nơi, lên rừng, xuống biển. Họ có thể đặt tình yêu ở trong tim mình từ khi mới ra đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Vì thế, cha mẹ không thể quên được việc thể hiện tình yêu với con cho dù con đang ở lứa tuổi nào. Ngoài ra, trong khi tiến hành nghiên cứu giáo dục, với vai trò là một nhà tâm lý tôi cũng nhận ra rằng: TÌNH YÊU CỦA CHA MẸ CÒN CÓ TÁC DỤNG CẢM HÓA NHỮNG CÁI TRÁN DÔ BƯỚNG BỈNH, LÀM MỀM MẠI NHỮNG TRÁI TIM BÊ TÔNG VÀ BIẾN NHỮNG ĐỐI TƯỢNG ĐÁNG SỢ TRỞ THÀNH NHƯNG ĐỨA TRẺ NGOAN. Không còn nghi ngờ gì nữa nhé, tình yêu là một trong những phương thức dạy con tuyệt vời.

Teen-co-can-tinh-yeu-cua-cha-me1

Dù ở lứa tuổi nào, con cái luôn muốn được nghe những lời yêu thương từ cha mẹ

Nhưng bật mí nhé, dù là người am hiểu về tâm lý, bản thân tôi cũng là người ngại thể hiện tình yêu của mình lắm. Thốt ra được điều đó quả là khó. Làm sao nó cứ ngắc ngứ ở trong miệng mà không thoát ra nổi. Vì thế, là một người mẹ, tôi mới có mấy chiêu trò như thế này mách các bạn.

1. VIẾT GIẤY NHẮN: Tôi mua một tập giấy nhắn màu vàng. Mỗi ngày, tôi viết vào đó một câu “bâng quơ” và dán vào vị trí nào đó trong góc học tập của con gái. Tôi đã mỗi ngày làm thế trong thời gian độ một tháng. Sau đó, vì mệt quá, ngày nào cũng viết "sến sẩm" chả dễ tí nào, tôi bèn viết một tờ dài dài như sau:

"Trân trọng kính gửi chị Péo!Một tháng qua, tôi (mẹ chị) đã viết giấy nhắn cho chị quá nhiều. Bây giờ mệt lắm roài, không viết nữa. Nhưng nói chung, dù viết hay không viết thì tôi vẫn yêu chị như cũ thôi. Đề nghị chị nhớ cho điều đó. Chúc chị vui vẻ. Chào chị."

2. VIẾT NHẬT KÍ CHO CON. Nàng nhà tớ nhận được nhật kí lần đầu tiên vào sinh nhật 9 tuổi. Khi nàng nhận được, mặc dù là đứa siêu tham ăn, nàng vẫn bỏ cả bữa tiệc sinh nhật, ngồi đó ôm quyển nhật kí đọc và khóc nức nở. Sau đó, nàng đã ngoan hơn rất nhiều. Nàng còn tìm mọi cách thể hiện tình yêu với mẹ nữa chứ.

3. NÓI YÊU CON VỚI NGƯỜI KHÁC. Ở đời, tai vách mạch rừng, nếu như mình luôn nói yêu con cho mọi người nghe thì sớm muộn điều đó cũng sẽ “ngấm” đến tại chủ nhân.

Vậy, các cha mẹ, còn chần chừ gì nữa, hãy viết cho con nào.

TS. Vũ Thu Hương

(nhà tâm lý, giáo dục)

Trò chuyện với con về cơ thể và giúp con tự bảo vệ mình

Save the Children (Tổ chức Cứu trợ trẻ em) của Thụy Điển mới đây đã cho ra mắt cuốn sách “Hãy tôn trọng, đây là cơ thể tôi!” ở Việt Nam. Cuốn cẩm nang này giúp cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ để giúp các em tự bảo vệ cơ thể mình và phần nào cung cấp cho các em kiến thức để phòng tránh nạn xâm hại tình dục. Cuốn sổ tay này đã được xuất bản bằng tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập,…Và đây là lần đầu tiên, với sự phối hợp của Save the Children, Trường Đại học KHXH&NV, Đại sứ quán Thụy Điển, cuốn cẩm nang đã được xuất bản bằng tiếng Việt. Và ca sĩ Mỹ Linh đã được lựa chọn làm Đại sứ Thiện chí cho chương trình này.

Với vai trò là một người trưởng thành, chúng ta cần góp phần giúp trẻ có thêm nhận thức về bản thân và được an toàn bằng cách luôn sẵn sàng chia sẻ và đồng hành với trẻ qua các giai đoạn phát triển. Chúng ta nên thể hiện thái độ quan tâm đến trẻ từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày trong suốt thời thơ ấu của trẻ. Dù con bạn còn nhỏ hay đã đến tuổi vị thành niên, bạn đều cần phải sử dụng ngôn ngữ và nội dung phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Làm thế nào để một đứa trẻ 3 tuổi hiểu được điều này? Sau đây là những bí quyết giúp bạn trò chuyện với trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo về cơ thể của bé và tránh bị xâm hại từ cuốn cẩm nang trên.

Trò chuyện với trẻ về cơ thể mình

Dạy bé nhận biết về cơ thể mình

Trẻ nhỏ thường rất hứng thú với việc tìm hiểu về bản thân và môi trường xung quanh. Các em dành phần lớn thời gian để khám phá cách mà cơ thể hoạt động, điều gì cơ thể có thể và không thể thực hiện. Thông thường, trẻ khám phá mọi thứ cùng với một người lớn bởi trẻ đang trong giai đoạn phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trong mọi trường hợp khi bạn chăm sóc trẻ, ví dụ khi tắm hay thay bỉm cho bé, thoa kem dưỡng da hay cho trẻ ăn, bạn có thể đưa ra những dấu hiệu khẳng định rằng cơ thể này là của riêng trẻ. Cơ thể của trẻ có giá trị riêng và bạn có thể giúp trẻ quyết định sẽ làm gì kể cả khi trẻ cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Một cách tốt để làm được điều này là để trẻ học cách tự vệ sinh những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể càng sớm càng tốt (kể cả khi trẻ mới 1 tuổi). Đầu tiên bạn có thể hướng dẫn trẻ vệ sinh vùng kín khi tắm cho trẻ, để sau đó trẻ có thể tự làm khi tắm hay sau khi đi vệ sinh. Một cách khác là cho trẻ cùng thay tã/bỉm, và dạy trẻ tự vệ sinh thân thể sau khi đi vệ sinh càng sớm càng tốt.

Biết cách từ chối khi người khác muốn âu yếm, chạm vào người bé

Với vai trò là cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ, bạn nên lưu ý đến những đụng chạm cơ thể giữa trẻ và người khác. Chúng ta cần làm gì khi người thân, bạn bè hoặc người lại muốn âu yếm và hôn trẻ? Liệu chúng ta có vì phép lịch sự và khuyến khích những việc đó mà không quan tâm đến cảm nhận của trẻ? Đừng ép trẻ phải ôm, hôn hoặc ngồi lên đùi ai đó. Thay vì bảo trẻ: “Nào bây giờ hãy lại kia và ngồi với bà” thì bạn nên hỏi bé: “Con có muốn ngồi vào lòng bà không?” Điều này giúp trẻ hiểu rằng bé không cần phải gần gũi với ai nếu bé không thích. Điều này cũng giúp bé cảm nhận xem mình có cảm thấy ổn không và từ đó đặt ra ranh giới cho riêng mình.

Bạn có thể nói về sự quan trọng của việc lắng nghe người khác, tôn trọng những gì họ nói và mong muốn. Khi bạn nói rằng: “Không, mẹ không muốn thế, sẽ không ổn nếu con tiếp tục những điều con đang làm. Điều đó sẽ làm người khác buồn, giận thậm chí là sợ đấy.” Khi trẻ biết cách phản ứng lại với tín hiệu của người khác, trẻ cũng sẽ học được cách lắng nghe chính cảm xúc của mình và tự đặt ra những giới hạn cho bản thân.

Dạy bé nhận biết người xấu

Khi trẻ được 4-5 tuổi, chúng ta có thể dạy trẻ rằng có thể có những người xấu ở ngoài kia và họ muốn làm những “điều không đúng”. Hãy cố gắng tìm cách nói với trẻ về việc này mà không làm trẻ sợ. Bạn có thể giảng giải rằng nếu một người nào đó làm, hoặc muốn làm điều gì đó với cơ thể của bé mà bé không muốn, bé có thể nói không và bé nên nói với người lớn chuyện đã xảy ra. Vì không may, trẻ em thường là nạn nhân của những kẻ là người quen, hoặc thậm chí là người mà trẻ quý mến. Vì vậy, cần dạy trẻ rằng việc nói “Không” là điều hết sức bình thường, kể cả với những người mà trẻ yêu quý, tương tự như khi anh chị em ruột muốn chơi một trò chơi mà trẻ không muốn.

Bé nên chia sẻ mọi bí mật với cha mẹ

Trẻ nhỏ nên được dạy về sự khác biệt giữa bí mật tốt và bí mật xấu. Bí mật tốt, chẳng hạn như quà sinh nhật hay quà Giáng sinh, những thứ khiến con vui vẻ. Bí mật xấu là những điều khiến con buồn bã hoặc lo lắng. Con có thể nói ra những bí mật xấu – kể cả khi người đó nói là con không được nói. Nói về những bí mật tốt và bí mật xấu là cách giúp trẻ chia sẻ những điều không thoải mái mà ai đó không cho trẻ nói ra.

Save the Children (Tổ chức Cứu trợ trẻ em) của Thụy Điển mới đây đã cho ra mắt cuốn sách “Hãy tôn trọng, đây là cơ thể tôi!” ở Việt Nam. Cuốn cẩm nang này giúp cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ để giúp các em tự bảo vệ cơ thể mình và phần nào cung cấp cho các em kiến thức để phòng tránh nạn xâm hại tình dục. Cuốn sổ tay này đã được xuất bản bằng tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập,…Và đây là lần đầu tiên, với sự phối hợp của Save the Children, Trường Đại học KHXH&NV, Đại sứ quán Thụy Điển, cuốn cẩm nang đã được xuất bản bằng tiếng Việt. Và ca sĩ Mỹ Linh đã được lựa chọn làm Đại sứ Thiện chí cho chương trình này.

Với vai trò là một người trưởng thành, chúng ta cần góp phần giúp trẻ có thêm nhận thức về bản thân và được an toan bằng cách luôn sẵn sàng chia sẻ và đồng hành với trẻ qua các giai đoạn phát triển. Chúng ta nên thể hiện thái độ quan tâm đến trẻ từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày trong suốt thời thơ ấu của trẻ. Dù con bạn còn nhỏ hay đã đến tuổi vị thành niên, bạn đều cần phải sử dụng ngôn ngữ và nội dung phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Làm thế nào để một đứa trẻ 3 tuổi hiểu được điều này. Sau đây là những bí quyết giúp bạn trò chuyện với trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo về cơ thể của bé và tránh bị xâm hại.

Dạy bé nhận biết về cơ thể mình

Trẻ nhỏ thường rất hứng thú với việc tìm hiểu về bản thân và môi trường xung quanh. Các em dành phần lớn thời gian để khám phá cách mà cơ thể hoạt động, điều gì cơ thể có thể và không thể thực hiện. Thông thường, trẻ khám phá mọi thứ cùng với một người lớn bởi trẻ đang trong giai đoạn phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trong mọi trường hợp khi bạn chăm sóc trẻ, ví dụ khi tắm hay thay bỉm cho bé, thoa kem dưỡng da hay cho trẻ ăn, bạn có thể đưa ra những dấu hiệu khẳng định rằng cơ thể này là của riêng trẻ. Cơ thể của trẻ có giá trị riêng và bạn có thể giúp trẻ quyết định sẽ làm gì kể cả khi trẻ cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Một cách tốt để làm được điều này là để trẻ học cách tự vệ sinh những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể càng sớm càng tốt (kể cả khi trẻ mới 1 tuổi). Đầu tiên bạn có thể hướng dẫn trẻ vệ sinh vùng kín khi tắm cho trẻ , để sau đó trẻ có thể tự làm khi tắm hay sau khi đi vệ sinh. Một cách khác là cho trẻ cùng thay tã/bỉm, và dạy trẻ sau khi đi vệ sinh càng sớm càng tốt.

Biết cách từ chối khi người khác muốn âu yếm, chạm vào người bé

Với vai trò là cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ, bạn nên lưu ý đến những đụng chạm cơ thể giữa trẻ và người khác. Chúng ta cần làm gì khi người thân, bạn bè hoặc người lại muốn âu yếm và hôn trẻ? Liệu chúng ta có vì phép lịch sự và khuyến khích những việc đó mà không quan tâm đến cảm nhận của trẻ? Đừng ép trẻ phải ôm, hôn hoặc ngồi lên đùi ai đó. Thay vì bảo trẻ: “Nào bây giờ hãy lại kia và ngồi với bà” thì bạn nên hỏi bé: “Con có muốn ngồi vào lòng bà không?” Điều này giúp trẻ hiểu rằng bé không cần phải gần gũi với ai nếu bé không thích. Điều này cũng giúp bé cảm nhận xem mình có cảm thấy ổn không và từ đó đặt ra ranh giới cho riêng mình.

Bạn có thể nói về sự quan trọng của việc lắng nghe người khác, tôn trọng những gì họ nói và mong muốn. Khi bạn nói rằng: “Không, mẹ không muốn thế, sẽ không ổn nếu con tiếp tục những điều con đang làm. Điều đó sẽ làm người khác buồn, giận thậm chí là sợ đấy.” Khi trẻ biết cách phản ứng lại với tín hiệu của người khác, trẻ cũng sẽ học được cách lắng nghe chính cảm xúc của mình và tự đặt ra những giới hạn cho bản thân.

Dạy bé nhận biết người xấu

Khi trẻ được 4-5 tuổi, chúng ta có thể dạy trẻ rằng có thể có những người xấu ở ngoài kia và họ muốn làm những “điều không đúng”. Hãy cố gắng tìm cách nói với trẻ về việc này mà không làm trẻ sợ. Bạn có thể giảng giải rằng nếu một người nào đó làm, hoặc muốn làm điều gì đó với cơ thể của bé mà bé không muốn, bé có thể nói không và bé nên nói với người lớn chuyện đã xảy ra. Vì không may, trẻ em thường là nạn nhân của những kẻ là người quen, hoặc thậm chí là người mà trẻ quý mến. Vì vậy, cần dạy trẻ rằng việc nói “Không” là điều hết sức bình thường, kể cả với những người mà trẻ yêu quý, tương tự như khi anh chị em ruột muốn chơi một trò chơi mà trẻ không muốn.

Bé nên chia sẻ mọi bí mật với cha mẹ

Trẻ nhỏ nên được dạy về sự khác biệt giữa bí mật tốt và bí mật xấu. Bí mật tốt, chẳng hạn như quà sinh nhật hay quà Giáng sinh, những thứ khiến con vui vẻ. Bí mật xấu là những điều khiến con buồn bã hoặc lo lắng. Con có thể nói ra những bí mật xấu – kể cả khi người đó nói là con không được nói. Nói về những bí mật tốt và bí mật xấu là cách giúp trẻ chia sẻ những điều không thoải mái mà ai đó không cho trẻ nói ra.

LiLy

(theo “Hãy tôn trọng, Đây là cơ thể tôi!”, Save the Children)

Ra mắt NetsMart bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên trên mạng internet

Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất ở Châu Á. Nếu so sánh với con số 205.000 người dùng ở thời điểm ban đầu và 31 triệu người dùng năm 2012 thì con số 50 triệu người dùng của năm 2017 là một con số thực sự rất ấn tượng.

Tuy nhiên, bước tiến này cũng đồng thời tạo ra thêm nhiều nguy cơ hơn cho trẻ em với số lượng các vụ việc lạm dụng trẻ em và bạo lực đối với trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng (theo những thông tin được công bố trên báo chí và mạng xã hội).

Kết quả một cuộc điều tra của UNICEF được thực hiện năm 2016 đã cho thấy 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng, và 75% các em sẽ nói chuyện với cha mẹ hoặc người chăm sóc nếu bị đe doạ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nói chuyện với trẻ về những vấn đề này, về những lợi ích và rủi ro mà trẻ có thể gặp phải khi sử dụng Internet.

Ra mắt sổ tay NetsMart bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên trên mạng internet

“Internet là một công cụ tuyệt vời. Trẻ em ngày nay có thể sử dụng Internet với vô số mục đích như để giao tiếp, học tập và giải trí. Tuy nhiên, cho dù bạn đang ở môi trường ảo trên mạng (online) hay ở môi trường đời thực (offline), sẽ luôn có những mối nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ em khi sử dụng mạng và con cái bạn có nguy cơ dễ bị lạm dụng hơn. Để các bậc phụ huynh giúp con minh tự bảo vệ trên môi trường mạng, chúng tôi đã hoàn tất việc dịch lại cuốn sổ tay NetSmart sang Tiếng Việt. Cuốn cẩm nang này sẽ có cả bản in cũng như bản mềm ở trên mạng và chúng tôi mong muốn mọi người sẽ hưởng ứng và chia sẻ thông điệp mà cuốn cẩm nang này đem lại.” Bà Victoria Rhodin Sandstrom, Bí thư thứ nhất, Trưởngban Chính trị, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam chia sẻ.

“Chúng ta không thể và chúng ta không nên ngăn chặn trẻ em truy cập và sử dụng internet, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên mạng. Cha mẹ và những người lớn khácgần gũi với trẻ cần phải tạo ra môi trường để họ có thể trò chuyện với trẻ về những gì trẻ làm hoặc những người trẻ gặp trên internet.” Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Save the Children (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) tại Việt Nam.

Với mục tiêu hỗ trợ các bậc cha mẹ và người lớn trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trên Internet, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam và Save the Children (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em), phối hợp cùng Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhân dịp Diễn đàn Internet 2017, tổ chức buổi lễ ra mắt Cuốn sách “Netsmart” với mục tiêu cung cấp cho các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà giáo dục, nhà quản lý, tổ chức phi chính phủ và người lớn một giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em trên mạng Internet.

Tương tự như cuốn sách “Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!” được công bố rộng rãi hồi tháng 5 với mục tiêu trợ giúp người lớn hiểu được vấn đề bảo vệ trẻ em nói chung, cuốn sách “Netsmart!” sẽ giúp trang bị cho người lớn kiến thức, ý tưởng và cách thức trao đổi với trẻ em về tất cả những gì có thể xảy ra trên mạng Internet. Sử dụng một phương pháp dễ hiểu, cuốn sách giới thiệu những ý tưởng sáng tạo về cách thức trao đổi mở với trẻ em về những nguy cơ bị lạm dụng tình dục trên mạng Internet, và trên hết, là cách thức sử dụng Internet an toàn và thông minh.

NV